Hiện nay, theo Bộ Công Thương, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ tư trên thị trường thế giới sau Trung Quốc, EU và Bangladesh với tỷ trọng xuất khẩu đạt 7.05% vào năm 2020, tăng cao so với 5.54% của năm 2016. Trong khi đó, thị phần hàng may mặc của Trung Quốc liên tục bị thu hẹp từ 34.31% năm 2016 xuống còn 29.45% trong năm 2020.Trong giai đoạn 2016 – 2020,
khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam không ngừng được nâng cao, trong khi xuất khẩu hàng may mặc của toàn thị trường thế giới giảm bình quân 0.26%/năm thì xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn tăng trưởng bình quân 6.13%/năm trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu hàng may mặc Trung Quốc giảm bình quân 4.11%/năm, Ấn Độ giảm 7.12%/năm, Indonesia giảm 0.39%/năm,.. và xuất khẩu của các thị trường cạnh tranh khác như Thổ Nhĩ Kỳ tăng bình quân 0.45%/năm, Bangladesh tăng 2.47%,.. Nhờ khả năng cạnh tranh của các sản phẩm may mặc Việt Nam không ngừng được nâng lên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới không ngừng được tăng cao và tăng bền vững trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trong tháng 07-2021, họat động sản xuất ngành dệt may có phần chậm lại so với những tháng trước do một số doanh nghiệp da giày lớn trong ngành như Freetrend Industrial VN, PouYuen VN,.. bị gián đoạn do phát hiện nhiều ca dương tính. Tuy nhiên, dù tháng 07 có dấu hiệu chững lại do các lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 , nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất các mặt hàng ngành dệt may hầu như đều đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Theo Bản tin Tháng 08-2021 của Vietdata, 7 tháng đầu năm, tổng xuất khẩu ngành Dệt may đạt giá trị gần 37 tỷ USD, tăng 20.4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng đều có mức tăng trưởng tốt, trong đó, hàng dệt may và giày dép vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, lần lượt là 50% và 32% trong 7 tháng đầu năm. Đặc biệt, các mặt hàng có giá trị tăng cao như xơ sợi, vải mành và vải kỹ thuật đạt mức tăng trưởng khá cao: xơ, sợi dệt tăng 65.0%, vải mành, vải kỹ thuật tăng 92.3% so với 7 tháng cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 7, đã có sự sụt giảm đáng kể đối với mặt hàng giày dép và túi xách. Giá trị xuất khẩu giày dép và túi xách giảm lần lượt là 29.6% và 11.3% so với tháng trước. Riêng đối với mặt hàng sợi tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ tăng cả về lượng và giá xuất. Giá xuất khẩu sợi trong tháng tháng 7-2021 đã tăng 47% so với cùng thời điểm 2020 (theo sát với mức tăng giá sợi thế giới), trong khi giá bông nhập khẩu tăng ~32%.

Thách thức trong thời đại COVID-19
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến thức tạp, các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp nhiều thách thức. Trong khi đơn hàng may mặc và da giày cho những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đã nhận từ tháng trước, và hiện nhu cầu vẫn rất dồi dào. Song, dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp dệt may khó có thể duy trì công suất sản xuất và lo ngại chậm tiến độ giao hàng, nguy cơ bị phạt hợp đồng là rất lớn.
Ngoài ra, bên cạnh các thách thức hiện hữu từ những tháng trước (như chi phí nguyên liệu tăng, cước vận tải quốc tế leo thang,..) thì từ khi dịch bùng phát mạnh đến nay, các doanh nghiệp trong ngành còn đối mặt với nhiều chi phí hoạt động khác gia tăng khi phải thực hiện các biện pháp “3 tại chỗ”; nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất nhà máy nhưng vẫn phải hỗ trợ lượng công nhân. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên đến 30-35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động.
Thêm vào đó, tình trạng tắt nghẽn tại các cảng Trung Quốc hiện nay và việc các tàu quốc tế đang hạn chế nhận hàng giao đến các cảng tại khu vực TP HCM, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung nguyên liệu cho những tháng cuối năm.
Triển vọng
Nhu cầu hàng may mặc và giày dép tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU vẫn cao, dù đượt dịch mới vẫn đang bùng phát mạnh tại các khu vực này. Đây cũng là tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp cùng ngành, nếu dịch bệnh trong nước sớm được kiểm soát.
Như vậy, triển vọng ngành những tháng cuối năm phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, tiến độ triển khai tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine đang được thực hiện theo diện ưu tiên và chưa đồng đều tại các địa phương, điều này có thể làm gián đoạn sự tăng trưởng của sản xuất, ảnh hưởng xuất khẩu.
Nguồn: Báo cáo Ngành Dệt may số tháng 08/2021 của Vietdata